HUẤN THỊ I

Huấn  Thị  I

 

Giới Thiệu.

Năm 1888, HPB lập trường Bí Giáo và đưa ra một số tài liệu về TTH dưới dạng các huấn thị. Có ba huấn thị chính I, II và III. Vì đây là chỉ dẫn cho người tỏ ý muốn học hỏi MTTL và áp dụng trong đời, khác với ai chỉ muốn tìm hiểu để thỏa mãn tri thức, nên các huấn thị có tính chuyên môn và đi sâu. Do vậy, phần dưới là bài tóm lược huấn thị I chỉ giữ lại các điểm chính, tổng quát, và để qua bên những chi tiết thích hợp hơn cho ai muốn biết cặn kẽ về huyền bí học. Xin mời bạn đọc nguyên tác trọn bài nếu được.
Phần đầu của huấn thị đã đăng trên PST 58, bài Lời Khuyến CáoAum; nay là phần kế tiếp.

Ta hãy nói về điều thiêng liêng thuần túy nằm ẩn sau mọi việc trong thiên nhiên vô tận. Kinh Veda gọi đó là TÂT (Cái Đó), để chỉ căn nguyên không cội rễ bất khả tư nghì. Theo cách ấy ta có thể trả lời bẩy câu hỏi về triết lý bí truyền như sau.
1. Hỏi: Điều Tuyệt đối Vô tận là gì.
Đáp: Cái Đó.
2. Hỏi: Làm sao vũ trụ thành hình ?
Đáp: Qua Cái Đó.
3. Hỏi: Nó sẽ là gì hay là sao khi vào sự ngơi nghỉ (pralaya) trở lại ?
Đáp: Ở trong Cái Đó.
4. Hỏi: Bản chất của tất cả vật linh hoạt và không linh hoạt từ đâu mà có ?
Đáp: Từ Cái Đó.
5. Hỏi: Chất liệu và phần tinh túy mà từ đó Vũ trụ được tạo nên là gì ?
Đáp: Cái Đó
6. Hỏi: Nó đã hòa vào điều chi và sẽ tái đi tái lại mãi việc ấy ?
Đáp: Hòa vào Cái Đó.
7. Hỏi: Vậy Cái Đó là nguyên nhân cho phương tiện và vật chất của Vũ trụ ư ?
Đáp: Nó còn có thể là gì khác, hay có thể nào khác hơn là Cái Đó không ?     

1. Mỗi con người là hiện thân cho Thượng đế của họ, nói khác đi, là một với ‘Cha trên Trời’ như đức Jesus, một vị Đạo đồ, từng nói. Có bao nhiêu người trên trần thì có bấy nhiêu Thượng đế trên trời; mà các Thượng đế này trên thực tế là MỘT, vì tới cuối mỗi chu kỳ biểu lộ họ đều rút về, như các tia của mặt trời sắp lặn thu vào vầng Thái dương cha mẹ, là Vì Thượng đế Không Biểu Lộ, và tới phiên ngài hòa vào điều Tuyệt Đối Duy Nhất.
Ta có nên gọi các ‘Cha’ này của mình, dù riêng rẽ hay tập thể, và trong bất cứ trường hợp nào, là Thượng đế cá nhân của chúng ta không ? Huyền bí gia sẽ đáp, Không bao giờ. Tất cả những gì mà một người trung bình có thể biết về ‘Cha’ của mình là những gì mà họ biết về chính mình, xuyên qua và bên trong họ. Linh hồn ‘Cha trên Trời’ nằm trong con người họ. Linh hồn này là chính họ nếu họ thành công trong việc đồng hóa với bản ngã thiêng liêng khi ở trong xác phàm. Về tinh thần con người ấy là sự Tuyệt Đối. Lời cầu kinh và khấn nguyện của ta chỉ vô ích, vô dụng trừ phi ta có hành động mạnh mẽ đi kèm với lời nói cương quyết, và làm hào quang bao quanh mỗi chúng ta được thanh khiết và thiêng liêng, khiến cho vì Thượng đế trong ta có thể tác động ra bên ngoài, hay nói khác đi trở thành một Quyền lực bên ngoài.
Theo cách ấy các vị Đạo đồ, Thánh nhân, và những ai rất đỗi thánh thiện, thanh khiết đã có thể giúp người khác cũng như giúp chính mình khi cần thiết, sinh ra điều được gọi sai lầm là ‘phép lạ’, nhờ sự trợ lực của vì Thượng đế bên trong chính các ngài; chỉ có phần thiêng liêng này mới có thể tác động ra ngoại giới.

2. Câu chú ‘Ôm Mani Padme Hûm’ được dịch sai lầm theo nghĩa đen là ‘Hỡi Ngọc quí trong Hoa Sen’; thực ra dịch như vậy không đúng tự các chữ và ý nghĩa biểu tượng của chúng. Trong câu chú này, là câu linh thiêng hơn hết trong mọi chú ngữ đông phương, không những mỗi âm có sức mạnh bí ẩn cho ra kết quả rõ ràng, mà trọn câu chú có bẩy ý nghĩa khác nhau, và có thể sinh ra bẩy kết quả riêng biệt, cái này khác cái kia.
Bẩy ý nghĩa và bẩy kết quả tùy thuộc vào cách xướng âm trọn câu chú và cho mỗi âm; và ngay cả trị số mỗi chữ theo đó hoặc thêm vào hay làm giảm đi, hay khi dùng nhịp điệu khác. Học viên nên nhớ rằng con số nằm trong hình thể, và con số hướng dẫn âm thanh. Con số nằm ở căn nguyên của Vũ trụ biểu lộ; con số và tỉ lệ điều hòa hướng dẫn sự phân hóa đầu tiên của chất liệu thuần nhất thành các nguyên tố dị biệt, và con số đặt giới hạn cho sự tạo tác của thiên nhiên.
Để biết đại vũ trụ, bạn phải bắt đầu bằng tiểu vũ trụ, tức bạn phải học về Con Người. Khoa học làm việc theo phương pháp qui nạp, đi từ riêng biệt tới tổng quát. Dầu vậy cùng lúc đó, ta không nên quên phương pháp của Plato là bắt đầu với cái nhìn tổng quát mọi việc, và đi từ tổng quát sang trường hợp cá biệt. Đây là phương pháp trong toán học, khoa học chính xác duy nhất trong thời đại của chúng ta.
Vậy câu huyền bí ‘Ôm Mani Padme Hûm’ khi hiểu đúng thì thay vì là ‘‘Hỡi Ngọc quí trong Hoa Sen’ gồm những chữ gần như vô nghĩa, nó muốn nói đến sự hợp nhất không thể tách rời giữa Con Người và Vũ Trụ, theo bẩy cách khác nhau, và có bẩy ứng dụng khác nhau cho mỗi cõi tư tưởng và hành động. Nhìn theo cách nào thì chú ngữ cũng có nghĩa ‘Tôi là cái đó là tôi’; ‘Tôi trong bạn và bạn trong tôi’. Khi xướng câu chú dù hữu thức hay vô thức, con người sẽ sinh ra, hoặc vô tình tạo ra, kết quả không thể tránh được.
Trong trường hợp đầu, nếu đó là vị Đạo đồ của chánh đạo, họ có thể hướng dẫn dòng lực tốt lành hay che chở, và do đó có ích cùng bảo vệ con người và luôn cả một nước. Trong trường hợp sau tuy không biết mình làm gì, ngưởi tốt lành trở thành tấm khiên che chở cho ai đang ở cùng với họ. Sự kiện là vậy, nhưng cách thức và nguyên nhân cần được giải thích, và điều này chỉ làm được khi có hiểu biết rõ ràng về sức mạnh của số trong âm thanh, tức chữ và mẫu tự. Câu ‘Ôm Mani Padme Hûm’ được chọn để diễn tả do sức mạnh gần như vô hạn của nó khi được vị Chân sư xướng lên, và tiềm năng khi do bất cứ ai đọc. Vậy hãy cẩn thận tất cả những ai đọc bài này, chớ nên dùng câu chú khi không cần thiết, hay khi giận dữ kẻo bạn trở thành nạn nhân, hay tệ hơn nữa là gây nguy hại cho người mà bạn thương mến.
Chữ  ÂUM hay ÔM, tương ứng với tam giác thượng có đỉnh quay lên trên (trong hình ấn tín của Hội có hai tam giác lồng vào nhau), khi được một người rất thánh thiện và trong sạch xướng lên, sẽ thu hút hay làm gợi dậy, không những các quyền năng thấp ngự trong không gian và thiên nhiên, mà luôn cả Chân Ngã của họ hay ‘Cha’ trong lòng. Khi do một người tốt lành vừa phải thốt lên theo đúng cách, nó sẽ giúp làm họ vững mạnh về đạo đức, nhất là nếu giữa hai chữ ‘ÂUM’ anh định tâm rất mực vào chữ ÂUM trong lòng, trụ hết sức mình vào điều vinh quang không tả được.
Nhưng tai hại thay cho ai xướng câu chú sau khi đã phạm lỗi nặng, anh chỉ do vậy thu hút vào bầu lực không thanh khiết của mình những lực vô hình mà bình thường không xâm phạm được bức màn thiêng liêng. Những ai thành tâm học hỏi nên xướng thánh ngữ trước khi đi ngủ và ngay lúc thức dậy.
ÂUM là nguyên ngữ của chữ Amen. Chữ Amen giống như chữ Halleuiah không phải là chữ Hebrew mà nó được người Do Thái và Hy Lạp mượn từ chữ của người Chaldean. Nó thường được thấy lập lại trong những câu chú viết trên tách và bình thờ cúng của người Babylon và Ninive. Amen không có nghĩa ‘Xin được như nguyện’ hay ‘Xin được vậy’, mà từ xa xưa có nghĩa gần như là một với ÂUM. Cả hai chữ có nghĩa xác nhận sự hiện hữu của Đấng không giới tính bên trong ta.  

3. Khoa học huyền bí dạy rằng mỗi âm thanh trong thế giới hữu hình gợi nên âm thanh tương ứng trong cõi vô hình, và khiến lực này hay kia tác động trong cảnh giới huyền bí của thiên nhiên. Hơn thế nữa, mỗi âm thanh tương ứng với một mầu sắc và con số, và cảm giác ở một cõi. Tất cả những điều này có tương ứng trong vạn vật, các sự sống tràn ngập cõi thế, và do đó khiến chúng tác động.
Như vậy lời cầu nguyện, trừ phi được phát ra trong trí và hướng đến ‘Cha’ của ta trong sự thinh lặng, cô tịch của nội tâm con người (closet) hẳn phải cho kết quả tệ hại hơn là tốt lành, vì khối đông người hoàn toàn không biết những hệ quả mà chúng sinh ra. Để có được kết quả tốt đẹp, lời cầu nguyện phải do ai ‘biết cách làm cho lời họ được nghe trong tĩnh lặng’ thốt ra; khi đó nó không còn là lời cầu nguyện mà thành mệnh lệnh. Tại sao kinh ghi là đức Jesus cấm tín đồ đi vào nhà nguyện chỗ công cộng ? Chắc chắn không phải ai cũng đều là kẻ đạo đức giả hoặc nói gạt, hoặc là người giả hình muốn được kẻ khác thấy họ cầu kinh !
Ta phải giả dụ rằng ngài có dụng ý riêng, cùng dụng ý như nhà huyền bí học kinh nghiệm khi can ngăn không cho học trò vào chỗ đông người, bây giờ cũng như ngày xưa, như nơi thờ phượng, phòng cầu hồn v.v. trừ phi họ đồng tình với đám đông.

Các Hành Tinh, Ngày trong tuần, và Mầu Sắc, Kim Loại tương ứng.

Kim Loại

Hành Tinh

Nguyên Lý

Ngày

Mầu

Âm

Sắt

Hỏa tinh

Kama Rupa       thể tình cảm, thú tính và đam mê

Thứ Ba

1. Đỏ

Do

Vàng

Mặt Trời

Prana hay Jiva, sinh lực

Chủ Nhật

2. Cam

Re

Thủy ngân

Thủy tinh

Buddhi, vận cụ cho Atma

Thứ Tư

3.  Vàng

Mi

Chì

Thổ tinh

Kama Manas,   
hạ trí

Thứ  Bẩy

4. Xanh lục

Fa

Thiếc

Mộc tinh

Auric Envelope

Thứ Năm

5. Xanh dương

Sol

Đồng

Kim tinh

Manas                        Thượng trí

Thứ Sáu

6. Chàm

La

Bạc

Mặt Trăng        sinh ra trái đất

Linga Sarira        thể sinh lực (thể phách) sinh ra thể xác

Thứ Hai

7. Tím

Si

Có một lời khuyên đưa ra cho người sơ cơ, ai bắt buộc phải vào chỗ đông người, lời mà có vẻ như mê tín dị đoan, tuy ta sẽ thấy hữu hiệu dù không có hiểu biết bí truyền. Các nhà chiêm tinh học giỏi dang biết rằng những ngày trong tuần không theo thứ tự các hành tinh mà ngày mang tên. Sự kiện là người Ấn và Ai Cập thời xưa chia một ngày làm bốn phần, mỗi ngày có một hành tinh bảo hộ; và mỗi ngày mang tên hành tinh chủ trì và bảo hộ phần thứ nhất trong ngày. Học viên có thể bảo vệ mình đối với các tinh linh đông đầy ở chỗ công cộng, bằng cách đeo nhẫn gắn ngọc có mầu của hành tinh chủ, hay làm bằng kim loại tương ứng với hành tinh. Tuy nhiên cách bảo vệ tốt nhất là một lương tâm trong sáng, và ước nguyện mạnh mẽ làm lành cho nhân loại.
Hiểu biết chân thực là hiểu biết về tinh thần và trong tinh thần mà thôi,  và không thể thụ đắc bằng cách nào khác, ngoại trừ thượng trí, cõi duy nhất mà từ đó ta có thể đi sâu vào điều Tuyệt Đối có ở khắp nơi. Ai chỉ làm theo những luật do trí người đặt ra, sống cuộc đời theo qui tắc của người phàm và luật lệ còn sai sót của họ ấn định, là chọn ánh đèn trên biển ảo ảnh làm ngôi sao dẫn lối cho mình, hay điều mê hoặc tạm thời và chỉ kéo dài một kiếp.
Những luật ấy chỉ cần thiết cho cuộc sống và sự an sinh cho con người vật chất mà thôi. Anh đã chọn người dẫn đường đưa anh qua những hố của một đời người, vị thầy mà sẽ chia tay với anh ở trước cửa tử. Hạnh phúc hơn thay là ai mà khi làm tròn bổn phận của đời sống hằng ngày, theo sát luật lệ trong nước và tóm tắt là làm những gì phải làm trong đời, trên thực tế lại sống đời tinh thần luôn luôn, có cuộc sống liên tục không bị ngắt quãng, ngăn chặn, ngay cả trong những lúc ngơi nghỉ trên chặng đường hành hương dài của đời thuần túy tinh thần.
Mọi hiện tượng của hạ trí biến mất như tấm màn sân khấu kéo vẹt, cho phép họ sống trong vùng bên ngoài nó, cõi nguyên nhân, thực tại duy nhất. Nếu do chế ngự hoặc tiêu diệt lòng ích kỷ và cái ngã, để thành công trong việc biết mình là gì sau bức màn ảo ảnh vật chất, chẳng bao lâu anh sẽ vượt qua khỏi sự đau đớn, khổ não, thay đổi, là nguồn chính yếu gây khổ nàn. Người như thế có xác thân vật chất, vật chất bao quanh họ nhưng họ sẽ sống vượt ra xa và bên ngoài nó. Cơ thể họ sẽ phải có thay đổi, nhưng họ hoàn toàn không cần đến nó, và sẽ có sự sống đời đời dù kiếp sống của thể xác chỉ ngắn ngủi. Những điều này có thể đạt tới bằng việc phát triển tình huynh đệ đại đồng, và chế ngự cái tôi hay lòng ích kỷ là nguyên nhân của mọi tội lỗi và do vậy là mọi sự khổ não của con người.

Ghi Chú.

Cũng về tài liệu cho trường Bí Giáo, câu sau đây trong một tài liệu năm 1888 của trường (đăng trên PST 62, bài Thông Tri E.S.) thường được trích dẫn:
Không một Chân sư Minh Triết nào ở phương Đông sẽ xuất hiện hoặc gửi ai sang Âu châu hoặc Mỹ châu sau thời gian đó, và ai biếng nhác sẽ mất cơ hội tiến bước trong kiếp này - cho đến năm 1975.
Diễn giải hay thấy trong nhiều sách vở TTH về câu trên nói rằng vào phần tư cuối mỗi thế kỷ, có nỗ lực đưa ra hiểu biết mới cho nhân loại; cho năm 1875 đó là hội Theosophia và HPB là đại diện cho Thiên đoàn. Sau khi bà qua đời thì phải đợi tới năm 1975 mới có nỗ lực khác và không chừng có đại diện khác. Đi xa hơn là khuynh hướng cho rằng sau HPB, ai cho biết họ được trao phó việc trưng ra các giảng dạy mới về Theosophia thì đáng ngờ.   
Dầu vậy, có giải thích khác về câu trên của HPB liên can đến chu kỳ của bẩy cung; nó đã được trình bầy trước đây trên PST nay xin khai triển thêm. Chu kỳ 100 năm nói ở đây là chu kỳ nhỏ của cung một, và ý tổng quát là:
– Sẽ có động lực lớn thuộc cung một từ Thiên Đoàn phát ra vào cuối mỗi thế kỷ.
HPB nằm trong trường hợp này, việc làm của bà là phá hủy hình thể đã đặt giới hạn trong khoa học và tôn giáo. Song song với công việc của bà còn có động lực cung hai và cung ba, đưa tới việc tìm ra bản chất của nguyên tử, tính phóng xạ, và những khám phá về điện hồi đầu thế kỷ trước. Điều cần nhớ là ta có tầm nhìn giới hạn thành ra đừng nên cố chấp về chu kỳ hay con số. HPB nói đúng khi ta xét câu trên theo cung một, nhưng ta sẽ không đúng khi bác bỏ hoặc để qua bên sáu động lực khác cũng quan trọng y vậy hay hơn.

Theo:
– The Esoteric Papers of Madame Blavatsky, Instruction I.
– Xin đọc thêm PST 58, 62 và bài Huyền Thuật và Lời Nói trong số này.